Con Đức Chúa Trời

Từ Thư Viện Tin Lành
Buớc tưới chuyển hướng Bước tới tìm kiếm

“Con Đức Chúa Trời” là một khái niệm thần học quan trọng trong Thánh Kinh. Trong Thánh Kinh, tùy theo nội dung và văn mạch, danh hiệu này được hiểu theo vài ý nghĩa khác nhau. Trong Tân Ước, danh hiệu “Con Đức Chúa Trời” chủ yếu được dùng cho Đức Chúa Jesus.

Ý Nghĩa Phổ Quát

1. Nhân loại

Ý nghĩa đầu tiên của thành ngữ “con Đức Chúa Trời” chỉ về cả nhân loại. Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa, Ngài đã tạo dựng nên loài người cho nên Phúc Âm Lu-ca 3:38 đã gọi người đầu tiên trên đất: “A-đam, con Đức Chúa Trời.” Nhân loại là hậu tự của A-đam; do đó, cả nhân loại được gọi là “dòng dõi của Đức Chúa Trời” ( Công Vụ 17:29).

Rất nhiều lần Thánh Kinh mô tả Đức Chúa Trời đã xử với loài người như một người Cha đối với con; do đó, thành ngữ “con Đức Chúa Trời” đôi khi được dùng để chỉ về cả nhân loại. Trong trường hợp này, chữ “con” được in bằng chữ nhỏ.

2. Những người thuộc về Chúa

Ý nghĩa thứ hai của thành ngữ “con Đức Chúa Trời” chỉ về những người tin Chúa. Ý nghĩa này được chép trong Giăng 1:12-13 “Nhưng hễ ai tin nhận Ngài, tức những người tin vào danh Ngài, Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Ðức Chúa Trời. ” Sứ đồ Giăng giải thích danh hiệu “con cái Đức Chúa Trời” được dành cho người tin Chúa. Địa vị đặc biệt này không đặt căn bản trên huyết thống, trong quan hệ xác thịt, hay do ý định của con người, nhưng theo ý định của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Jesus dạy rằng những người kiến tạo sự hòa giải sẽ được gọi là “con Đức Chúa Trời” (Ma-thi-ơ 5:9). Trong tiếng Anh, thành ngữ được dùng trong những trường hợp này được viết là “children of God” hoặc “God’s children,” một danh từ được viết theo số nhiều. Trong tiếng Việt, bản dịch truyền thống dịch thành ngữ này “con cái Đức Chúa Trời.”

Trong khi các Cơ Đốc nhân tin rằng “children of God” chỉ về người tin Chúa, người Do Thái tin rằng dân tộc Do Thái là tuyển dân của Đức Chúa Trời. Dựa vào Ô-sê 1:10, người Do Thái tin rằng danh hiệu “children of God” chỉ về dân tộc Do Thái.

3. Vua dân Do Thái

Trong lịch sử, danh hiệu Con Trời hay Thiên Tử được dành cho các vị vua. Các hoàng đế Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam tại Á Châu và Alexander the Great, Julius Caesar tại Âu Châu đã tự nhận danh hiệu Con Trời.

Trong Thánh Kinh, ý nghĩa của chữ “con Đức Chúa Trời” cũng được dùng để chỉ về vua của người Do Thái. Ý nghĩa thứ ba này được chép trong I Sử Ký 17:11-14. Tiên tri Na Than đã truyền sứ điệp của Đức Chúa Trời cho vua Đa-vít như sau: “Xảy khi các ngày ngươi đã mãn và ngươi phải về cùng tổ phụ ngươi, ắt ta sẽ lập dòng dõi ngươi lên là con trai của ngươi, đặng kế vị ngươi; ta sẽ làm cho nước người vững chắc. Người ấy sẽ cất cho ta một cái đền, và ta sẽ làm cho ngôi nước người vững bền đến đời đời. Ta sẽ làm cha người, người đó sẽ làm con ta; sự nhân từ ta sẽ chẳng cất khỏi người đâu, như ta đã cất khỏi kẻ ở trước ngươi; song ta sẽ lập người đời đời tại trong nhà ta và tại trong nước ta; còn ngôi nước người sẽ được vững chắc cho đến mãi mãi.”

Về một phương diện, lời hứa của Đức Chúa Trời được dành cho Sa-lô-môn, con trai vua Đa-vít; người sẽ lên ngôi cầm quyền nước Do Thái sau khi vua Đa-vít băng hà. Tuy nhiên, một vài chi tiết trong lời hứa của Đức Chúa Trời không thể áp dụng cho Sa-lô-môn. Lý do: vua Sa-lô-môn chỉ cầm quyền một thời gian rồi sẽ chết; vương quốc của vua không tồn tại đời đời như Kinh Thánh đã ghi. Do đó, lời hứa mà Đức Chúa Trời đã hứa được dành cho một hậu tự khác trong dòng dõi Đa-vít, là người sẽ cai trị đời đời.

Ý Nghĩa Đặc Biệt

1. Trong Cựu Ước

Trong niềm tin của người Do Thái, lời Đức Chúa Trời đã hứa cho Đa-vít được dành cho Đấng Messiah, là Đấng Cứu Thế sẽ được sanh ra từ dòng dõi vua Đa-vít. Đấng Messiah trong tiếng Hebrew có nghĩa là “Đấng được xức dầu để cai trị.”

Đức Chúa Trời đã hứa với vua Đa-vít rằng: “Ta sẽ làm cha người, người đó sẽ làm con ta; sự nhân từ ta sẽ chẳng cất khỏi người đâu.” Vì lý do này, người Do Thái đã gọi Đấng Messiah với một danh hiệu khác là “Con Đức Chúa Trời.” Trong niềm tin của người Do Thái, Đấng được gọi là “Con Đức Chúa Trời” cũng chính là Đấng Cứu Thế mà họ đang trông chờ. Chữ “Con” trong danh hiệu “Con Đức Chúa Trời” của Đấng Cứu Thế được viết hoa.

2. Trong Tân Ước

Trong Thánh Kinh Tân Ước, danh hiệu “Con Đức Chúa Trời” – viết dưới dạng danh từ số ít – được ghi lại 45 lần, trong đó chỉ có một lần từ ngữ này được dùng cho A-đam, tất cả những lần còn lại danh hiệu này được dành cho Đức Chúa Jesus.

Trong văn hóa của người Do Thái, thành ngữ “con trai của” mang ý nghĩa là “người có bản chất” hoặc “là.” Đức Chúa Jesus đã gọi hai anh em Giăng và Gia-cơ là “con trai của sấm sét” mang ý nghĩa hai người có bản chất nhiệt thành, nóng nảy như sấm sét (Mác 3:17). Các Sứ đồ đã đặt tên cho Giô-sép là “con trai của sự yên ủi” (Công Vụ 4:36) vì Giô-sép là người có bản chất an ủi, hay Giô-sép là niềm an ủi.

Trong quan niệm của người Do Thái, Đức Chúa Jesus là Con Đức Chúa Trời mang ý nghĩa Ngài là Đấng có bản chất của Đức Chúa Trời, hay Ngài chính là Đức Chúa Trời. Đây là lý do khi Đức Chúa Jesus nhìn nhận Ngài là Con Đức Chúa Trời, các nhà lãnh đạo Do Thái đã nổi giận và quyết định giết Ngài.

a. Được Thiên Thần Loan Báo

Danh hiệu “Con Đức Chúa Trời” của Đức Chúa Jesus đã được thiên thần công bố cho Ma-ri khi loan báo bà sẽ mang thai. Thiên thần đã trích dẫn lời Đức Chúa Trời hứa với Đa-vít để báo cho Ma-ri biết bà sẽ hoài thai Đấng Cứu Thế, là Đấng mà người Do Thái đang trông chờ. “Nầy, ngươi sẽ chịu thai và sanh một con trai mà đặt tên là Jêsus. Con trai ấy sẽ nên tôn trọng, được xưng là Con của Đấng Rất Cao; và Chúa, là Đức Chúa Trời, sẽ ban cho Ngài ngôi Đa-vít là tổ phụ Ngài. Ngài sẽ trị vì đời đời nhà Gia-cốp, nước Ngài vô cùng” (Lu-ca 1:31-33) Vì vậy, “Con Thánh sanh ra, phải xưng là Con Đức Chúa Trời” (Lu-ca 1:35) .

b. Được Đức Chúa Trời Xác Nhận

Thánh Kinh Tân Ước ghi lại ít nhất hai lần Đức Chúa Trời xác nhận Đức Chúa Jesus là “Con Đức Chúa Trời.” Lần đầu xảy ra khi Chúa Jesus nhận lễ báp-têm tại sông Giô-đanh. Có tiếng từ trời phán rằng: “Nầy là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đàng.” (Ma-thi-ơ 3:17). Lần thứ hai tại trên núi hóa hình, các môn đồ nghe tiếng phán từ trong đám mây: “Nầy là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đàng. Hãy nghe lời Con đó” (Ma-thi-ơ 17:5).

c. Được Giăng Baptist Công Bố

Giăng Baptist, vị tiên tri mà người Do Thái kính trọng, cũng xác nhận Đức Chúa Jesus là “Con Đức Chúa Trời.” Khi Giăng Baptist giảng và làm báp-têm trong hoang mạc, dân chúng thời đó thuộc nhiều thành phần khác nhau đã đến nghe ông giảng. Trước sự kiện đó, các nhà lãnh đạo Do Thái từ Giê-ru-sa-lem đã cử một phái đoàn đến gặp Giăng Baptist, hỏi ông có phải là Đấng Cứu Thế hay không. Giăng Baptist trả lời ông không phải là Đấng Cứu Thế; tuy nhiên Giăng Baptist đã giới thiệu Đức Chúa Jesus cho những người này, và cẩn thận xác nhận: “Chính Ngài là Con Đức Chúa Trời.” (Giăng 1:34).

d. Được Các Môn Đồ Xưng Nhận

Danh hiệu “Con Đức Chúa Trời” của Đức Chúa Jesus được các môn đệ của Ngài nhiều lần xưng nhận. Trong Ma-thi-ơ 14:33, khi thấy Chúa Jesus đi bộ trên biển và được chứng kiến sóng biển yên lặng khi Chúa bước vào thuyền, các môn đồ đã xưng nhận: “Thầy thật là Con Đức Chúa Trời!” Lúc Phi-e-rơ được hỏi rằng theo nhận thức của ông, Đức Chúa Jesus là ai? Phi-e-rơ đã trả lời: “Chúa là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời hằng sống” (Ma-thi-ơ 16:5). Trong Giăng 11:27, khi được hỏi Chúa có thể cứu La-xa-rơ sống lại hay không, Ma-thê đã thưa với Đức Chúa Jesus rằng: “Lạy Chúa, phải, tôi tin Chúa là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời.” Na-tha-na-ên khi được Chúa cho biết những điều thầm kín mà ông đã làm, đã thốt lên: “Thưa Thầy! Thầy là Con Đức Chúa Trời” (Giăng 1:49).

e. Được Chính Chúa Nhìn Nhận

Đức Chúa Jesus cũng nhìn nhận Ngài là “Con Đức Chúa Trời.” Các tác giả Phúc Âm, đặc biệt là Giăng, đã nhiều lần trình bày mối quan hệ giữa Đức Chúa Jesus và Đức Chúa Trời trong mối liên hệ cha con (Ma-thi-ơ 11:24-27; Mác 14:36, Lu-ca 11:2, 22:29-30, Giăng 3:17, 4:34, 5:24-34, 8:38-42, 17:1-26). Trong thời niên thiếu, Đức Chúa Jesus đã nói với Mari và Giô-sép rằng Ngài phải lo việc Cha của Ngài (Lu-ca 2:49). Khi Đức Chúa Jesus xua đuổi những người buôn bán trong Đền Thờ, Ngài nói “Đừng làm nhà Cha Ta thành nhà ô uế” (Giăng 2:16). Khi bị xét xử trước tòa công luận, các nhà lãnh đạo Do Thái đã hỏi Chúa “có phải là Đấng Christ, Con của Đấng Đáng Chúc Tụng không?” Chúa Jesus đã trả lời: “Chính Ta!” (Mác 14:61-62). Chính Đức Chúa Jesus đã xác nhận rằng Ngài với Cha là một (Giăng 10:30).

f. Được Những Người Không Theo Chúa Nhìn Nhận

Không phải chỉ có Chúa tự xưng nhận, hoặc những môn đệ Ngài xác nhận Chúa là “Con Đức Chúa Trời” nhưng những người không tin Chúa cũng biết danh hiệu “Con Đức Chúa Trời” của Đức Chúa Jesus. Lúc Chúa đuổi quỷ ra khỏi người bị quỷ ám tại Ca-bê-na-um, ma quỷ đã xưng nhận “Ngài là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời!” (Lu-ca 4:41). Mác thuật lại rằng, Chúa đuổi quỷ rất nhiều lần; mỗi khi các tà linh thấy Chúa đều phủ phục xưng nhận: “Thầy là Con Đức Chúa Trời.” (Mác 3:11; 5:7). Một sĩ quan La Mã chứng kiến Chúa hy sinh trên thập tự đã xưng nhận: “Quả thật, Người này là Con Đức Chúa Trời” (Ma-thi-ơ 27:54, Mác 15:39).

g. Satan và Các Lãnh Đạo Do Thái Thắc Mắc

Chỉ có Satan và những nhà lãnh đạo Do Thái giáo đặt vấn đề về danh hiệu Con Đức Chúa Trời của Đức Chúa Jesus. Satan hai lần cám dỗ Chúa vâng lời nó để chứng minh Ngài là Con Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 4:3, 6); tuy nhiên Đức Chúa Jesus đã không làm theo sự xui giục đó. Các nhà lãnh đạo Do Thái yêu cầu Đức Chúa Jesus hãy nhân danh Đức Chúa Trời cho họ biết Ngài có phải là Đấng Cứu Thế và là Con Đức Chúa Trời hay không (Ma-thi-ơ 26:63). Về sau, các nhà lãnh đạo Do Thái đã xin Phi-lát giết Đức Chúa Jesus với lý do Ngài “tự xưng là Con Đức Chúa Trời.” Theo luật của người Do Thái, việc “tự xưng là Con Đức Chúa Trời” là một tội trọng đáng bị xử tử (Giăng 19:7). Lúc Chúa bị treo trên thập tự, những nhà lãnh đạo Do Thái đã chế diễu Ngài: “Vì nó đã nói rằng: Ta là Con Đức Chúa Trời”(Ma-thi-ơ 27:43).

h. Các Tác Giả Phúc Âm Khẳng Định

Các tác giả Phúc Âm sinh trưởng trong xã hội Do Thái nên hiểu rất rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của danh hiệu “Con Đức Chúa Trời” trong nhận thức của người Do Thái. Mác đã không ngần ngại khi mở đầu Phúc Âm mà ông viết với những dòng chữ sau: “Khởi đầu Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ, Con Đức Chúa Trời” (Mác 1:1). Kết thúc Phúc Âm Giăng, tác giả đã cho biết, mục đích của cuốn sách mà ông đã viết là “để cho các ngươi tin rằng Đức Chúa Jêsus là Đấng Christ, tức là Con Đức Chúa Trời, và để khi các ngươi tin, thì nhờ danh Ngài mà được sự sống.” (Giăng 20:31)

i. Cộng Đồng Hội Thánh Tin Nhận

Phao-lô, sau khi tin Chúa, đã đi đến các nhà hội của người Do Thái công bố rằng “Đức Chúa Jesus là Con Đức Chúa Trời” (Công Vụ 9:20). Phao-lô giải thích cho các tín hữu tại Ga-la-ti rằng Con Đức Chúa Trời là Đấng đã yêu thương ông và chết thay cho ông (Ga-la-ti 2:20). Phao-lô cho biết Đức Chúa Jesus phục sinh là một bằng chứng Ngài là Con Đức Chúa Trời (Rô-ma 1:4). Phao-lô cũng khẳng định rằng Đức Chúa Jesus, Con Đức Chúa Trời, chính là chân lý (II Cô-rinh-tô 1:19). Tác giả thư I Giăng cho biết Con Đức Chúa Trời đến thế gian để phá hủy công việc của ma quỷ (I Giăng 3:8), Con Đức Chúa Trời là Đấng đắc thắng thế gian (I Giăng 5:5). Tác giả thư I Giăng khẳng định Đức Chúa Jesus chính là Con Đức Chúa Trời. Ai tin nhận Ngài thì có sự sống đời đời (I Giăng 5:10-20).

Tóm Tắt

Đức Chúa Jesus chính là Con Đức Chúa Trời, là Đấng Cứu Thế. Danh hiệu này của Đức Chúa Jesus đã được ghi lại và giải thích nhiều lần trong Kinh Thánh. Cộng đồng Cơ Đốc giáo đã tái xác nhận và ghi lại niềm tin đó trong bài tín điều.

Đức Chúa Jesus, Con Đức Chúa Trời, cũng chính là Đức Chúa Trời. Tác giả thư I Giăng đã viết “Ngài là Đức Chúa Trời chân thật và là sự sống đời đời” (I Giăng 5:20). Hy vọng bạn hiểu rõ ý nghĩa danh hiệu này của Đức Chúa Jesus để tiếp nhận Chúa là Cứu Chúa và cũng là Đức Chúa Trời cho chính bạn.

Tài Liệu

Liên Kết